Như với bất kỳ câu chuyện nào, một câu chuyện bằng số liệu thì cũng cần phần mở bài, thân bài, kết bài và kế hoạch đề xuất thực thi. Phần lớn những người hành nghề phân tích dữ liệu chuyên nghiệp (Analytics Professional) hiện nay vẫn đang học hỏi không ngừng để có thể thành thạo nghệ thuật kể chuyện đỉnh cao này. Đây là kỹ năng của tương lai để bạn vươn tới cấp bậc cao hơn của Business Analyst (BA) hay Data Analyst (DA) đó là Analytics Manager (AnM) hay còn được biết tới trong các tập đoàn công nghệ lớn với chức danh là Chief Analytics Officer (CAO).
Vô số tổ chức kinh doanh hiện đang thực hành phân tích dữ liệu không ngừng nghỉ nhằm chuyển đổi dữ liệu kinh doanh thành các thông tin hỗ trợ ra quyết định và các kế hoạch đề xuất thực thi. Tuy nhiên, rất nhiều báo cáo và biểu đồ bao gồm Report, Scorecard, Dashboard đang không truyền tải được thông điệp ẩn chứa quan trọng tới người xem. Đôi lúc, người xem cảm thấy quá choáng ngộp bởi quá nhiều thông tin được nén vào chỉ trong 1 trang gồm nhiều biểu đồ, hay nói cách khác đó là trang biểu đồ được thiết kế quá phức tạp.
Trong những tình huống khác, vấn đề lại có thể nằm ở việc trình bày ngẫu hứng không tuân theo một bộ chuẩn thực hành (best practice) cũng như không nắm được cách thức dẫn dắt để truyền tải thông điệp muốn nói tới người xem. Về bản chất, mỗi biểu đồ được tạo ra cần phải được gắn kết một cách rõ ràng với chỉ một thông điệp cốt lõi mà thôi và nhiều biểu đồ đặt cạnh nhau phải tạo ra được bối cảnh của câu chuyện để hỗ trợ cho thông điệp chung của của trang biểu đồ đó. Nếu có 2 thông điệp cốt lõi, hãy tách làm 2 biểu đồ hoặc thậm chính tạo 2 trang biểu đồ để xây dựng bối cảnh tương ứng.
Nghệ thuật kể chuyện bằng số liệu (Data Storytelling) là một kỹ năng nổi lên bởi nhu cầu thực tiễn tại nhiều tổ chức trên toàn cầu và tiến trình phát triển tự nhiên trong bối cảnh kinh doanh 4.0 và kỷ nguyên dữ liệu lớn (Big Data). Mặc dù chúng ta có thể nghe được rất nhiều những định nghĩa khác nhau xoay quanh khái niệm Data Storytelling, chung quy lại, hầu hết các chuyên gia và các tài liệu chính thống từ các trường đại học uy tín trên toàn cầu đều chỉ ra một điểm chung khi nói đến khái niệm này.
Nghệ thuật kể chuyện bằng số liệu là “Khả năng trình bày, thể hiện, diễn tả, hay truyền tải dữ liệu theo các cách thức để đạt được mục tiêu sau cùng đó là người xem phải có thể thấu hiểu và hấp thụ được hoàn toàn chứ không chỉ dừng lại ở mức một con số hay một loại biểu đồ cụ thể nào.
Tương tự như khi chúng ta nói đến một câu chuyện hay, một câu chuyện kể bằng số liệu cũng cần phần mở bài, thân bài và kết bài. Câu chuyện này cần được trình bày một cách khách quan không thiên vị (Decision Bias) trong một bối cảnh phù hợp để người xem (thường là các cấp quản lý và người ra quyết định) có thể dễ dàng hiểu, hấp thu, và đưa ra những quyết định sáng suốt hơn từ kết quả của phân tích.
“Nếu bạn muốn một người có thể đưa ra quyết định đúng đắn dựa vào dữ liệu, bạn cần phải truyền tải thông điệp theo cách mà họ có thể hiểu dễ dàng nhất. Xuyên suốt lịch sử tiến hóa của loài người, cách thức để làm điều này chính là kể cho họ nghe một câu chuyện.” Trích lời một giảng viên tại trường MIT Sloan dạy môn “Nghệ thuật giao tiếp và kể chuyện bằng số liệu” trong chương trình đào tạo danh giá “Master of Business Analytics” (khóa đầu tiên của chương trình Master kéo dài 1 năm này diễn ra vào năm 2017).
Mục lục
Kỹ năng cốt lõi của nghệ thuật kể chuyện bằng số liệu
Liệu rằng người kể chuyện bằng số liệu có thể được đào tạo bài bản cách thức để có thể dự đoán trước những câu hỏi tiềm năng từ người nghe liên quan tới một phân tích nào đó? Khi bạn học bài bản, bạn sẽ học cách để lên kế hoạch trình bày nhắm tới những nhu cầu của một đối tượng người nghe cụ thể cho dù đó là cấp trên, đồng nghiệp hay là khách hàng của bạn. Từ việc trình bày của bạn, họ sẽ có khả năng tiếp thu đúng thông tin để đưa ra các sáng kiến mới. Điều này gần như không thể đạt được với những trang biểu đồ phân tích thông thường khi mà các biểu đồ này chỉ đơn giản là đưa ra cảnh báo đối với người xem về một biến động cụ thể nào đó mà hoàn toàn không cung cấp thêm các thông tin cần thiết về ngữ cảnh (ví dụ như một điểm giảm đột biến về doanh số nhưng không kèm theo các thông tin về bối cảnh sự kiện xảy ra xung quanh giai đoạn đó). Về mặt bản chất, sẽ rất khó để bản thân một Dashboard nào đó có thể tự giải thích tại sao điều này đang xảy ra.
Kỹ năng cốt lõi thứ 1: Giao tiếp cùng với bối cảnh
Năm nay, Glassdoor xếp hạng các nhà khoa học dữ liệu (Data Scientist, DS) ở vị trí thứ 3 trong danh sách các công việc mong ước tại Mỹ, nghĩa là rất nhiều người muốn tham gia vào mảng này. Tuy nhiên, cho dù bạn có bằng tiến sĩ về thống kê, mô hình toán học hay bạn là một chuyên gia lập trình sử dụng ngôn ngữ R hay Python, bạn chỉ mới đáp ứng được 1 phần yêu cầu công việc của một người làm phân tích dữ liệu chuyên nghiệp. 1 yêu cầu cốt lõi khác của công việc này đó là giao tiếp kết quả phân tích một cách hiệu quả và hiểu rõ góc nhìn cũng như khả năng của người xem. Trong thực tế, chúng ta cần phải hiểu rõ rằng, người xem của chúng ta có khi không nghĩ giống như chúng ta nghĩ khi họ nhìn thấy điều mà chúng ta trình bày hay người xem gần như không quen thuộc với việc đọc biểu đồ một tí nào. Họ có thể chưa từng ở trong điều kiện phải ra quyết định bằng cách xem một biểu đồ.
Một sự thật khá phổ biến hiện nay đó là hầu hết những người làm công việc phân tích dữ liệu thường có kỹ năng làm việc với dữ liệu rất tốt nhưng thiếu kỹ năng kể chuyện. Nói cách khác, BA hay DA hay DS có khả năng thực hiện phân tích khi được yêu cầu nhưng họ thường không thể giải thích được tại sao họ đang làm cái việc mà họ đang làm.
Kỹ năng cốt lõi thứ 2: Không để cảm xúc chi phối
Thành thạo nghệ thuật kể chuyện bằng dữ liệu có nghĩa là có khả năng trình bày thông tin một cách khách quan mà không để cảm xúc chi phối và có khả năng nhận diện điều gì quan trọng và điều gì không quan trọng để có thể giữ mọi thứ đơn giản. Điều này đòi hỏi người kể chuyện là một người thẳng thắng để có thể tránh được việc điều chỉnh dữ liệu chỉ nhằm thỏa mãn người xem.
Nghệ thuật kể chuyện bằng dữ liệu là loại bỏ những thông tin nhiễu và hướng sự chú ý của mọi người vào các thông tin kinh doanh cốt lõi (key insights). Một phần của kỹ năng này là xây dựng mạch chuyện để có thể trình bày dữ liệu theo một trật tự phù hợp trước rồi mới tính tới vấn đề sử dụng loại biểu đồ tương ứng.
Một chuyên gia thực sự về nghệ thuật kể chuyện bằng dữ liệu không chỉ có khả năng trình bày dữ liệu bằng đúng biểu đồ một cách tinh tế mà còn có khả năng chuyển tất cả các kết quả phân tích vào trong một bộ các biểu đồ đơn giản cốt lõi mà có thể truyền tải thông điệp đó một cách trực tiếp và súc tích.
Có lẽ kỹ năng khó thành thạo nhất khi nói về nghệ thuật kể chuyện bằng dữ liệu là sự thấu cảm. Cụ thể là hiểu rõ người xem muốn đi về đâu, làm gì và các phân tích dữ liệu nào sẽ cần thiết cho họ để giúp họ đạt được điều đó.
Ví dụ, một giám đốc kinh doanh và một giám đốc công nghệ sẽ thường có hai góc nhìn hoàn toàn trái ngược nhau. Chính vì thế, khi được chia sẻ cùng một kết quả phân tích, khả năng cao đó là họ sẽ có những phản ứng khác nhau. Một trong những khả năng quan trọng nhất mà bất kỳ ai làm công việc phân tích dữ liệu cần phải có chính là khả năng diễn đạt kết quả theo những góc nhìn khác nhau và cung cấp tài liệu tương ứng cho từng góc nhìn. Bạn cần chú ý rằng góc nhìn khác nhau không phải là người này đúng, người kia sai. Hiểu đơn giản nó chỉ là dịch từ ngôn ngữ của người này qua ngôn ngữ của người khác.
Nghệ thuật kể chuyện bằng dữ liệu là một kỹ năng của một vị trí chuyên môn nào đó hay là một vị trí chuyên môn riêng biệt?
Như vậy, chúng ta biết rằng, các BA hay DA hay DS thường thiếu kỹ năng này, liệu tổ chức có nên tạo ra vị trí chuyên kể chuyện bằng dữ liệu hay nâng cấp kỹ năng của toàn bộ đội ngũ để mọi cá nhân đều có khả năng đọc hiểu, làm việc và phân tích với dữ liệu. Thực tế là tổ chức cần tiến hành song song cả 2 việc này và nghệ thuật kể chuyện bằng dữ liệu là kỹ năng thiết yếu cần có ở mỗi cá nhân trong tổ chức để có thể đạt được thành công trong “đoạn cuối của quá trình phân tích”. Nói đơn giản là mọi cá nhân đều có thể tham gia vào thực hiện phân tích dữ liệu và ra quyết định. Có khả năng làm việc với dữ liệu và kể câu chuyện đúc kết từ dữ liệu đó cũng quan trọng như có khả năng đọc, viết và nói một cách rõ ràng và súc tích. Đây là kỹ năng cốt lõi áp dụng cho mọi bộ phân chức năng trong công ty chứ không chỉ là một vị trí nghề nghiệp.
Tương tự như khả năng giao tiếp, một vài vị trí chuyên môn sẽ cần mức độ thành thạo chuyên sâu hơn, nhưng chắc chắn một điều rằng, bất kỳ ai ở vị trí công việc của người đó mà luôn cần nhận được báo cáo và phân tích thì chắc chắn sẽ cần phải có khả năng đọc hiểu và giải thích kết quả phân tích cho một người khác. Ví dụ đơn giản nhất đó là, nếu bạn là một giám đốc vận hành, bạn luôn nhận được báo cáo và phân tích vận hành, và bạn chắc chắn sẽ phải báo cáo kết quả cho hội đồng quản trị. Như vậy, bạn vẫn cần có khă năng đọc hiểu dữ liệu và phân tích. Tương tự cho các vị trí ở các cấp quản lý thấp hơn và các cấp thực thi.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều cá nhân làm công việc quản lý bảo mật dữ liệu doanh nghiệp, họ đồng ý rằng kỹ năng kể chuyện bằng dữ liệu là thực sự cần thiết cho tổ chức, nhưng họ mong muốn là chỉ có một số vị trí đặc thù thực hiện vai trò này để đảm bảo việc tổ chức quản lý dữ liệu và báo cáo vẫn được tối ưu. Họ có nhận định rằng, việc tất cả mọi người (ngoài những BA/DA/DS) học về cách thức làm việc với dữ liệu tới một mức độ thành thạo cần thiết để có thể tạo ra kết quả khả quan thì rất khó khăn cho mọi người và đòi hỏi một khoảng thời gian dài cũng như sự huấn luyện đặc biệt theo cách thức mà mọi người có thể tiếp cận được. Thay vì vậy, nếu tổ chứ tuyển được một cá nhân có nghệ thuật kể chuyện bằng dữ liệu tốt thì sẽ đơn giản và nhanh hơn rất nhiều.
Lộ trình để trở thành chuyên gia Phân tích dữ liệu Data